Khủng hoảng kết thúc Khủng_hoảng_tên_lửa_Cuba

Sau nhiều bàn cãi giữa Liên Xô và Nội các của Tổng thống Kennedy, Tổng thống Kennedy bí mật đồng ý loại bỏ tất cả các tên lửa đặt tại Ý và Thổ Nhĩ Kỳ (các tên lửa tại Thổ Nhĩ Kỳ nằm trên biên giới với Liên Xô) để đổi lại việc nhà lãnh đạo Liên Xô, Khrushchev, tháo bỏ tất cả các tên lửa tại Cuba.

Lúc 9:00 a.m. giờ miền Đông Hoa Kỳ, thứ hai ngày 29 tháng 10, một thông điệp mới của nhà lãnh đạo Khrushchev được phát trên Đài phát thanh Moscow. Nhà lãnh đạo Khrushchev phát biểu rằng "chính phủ Liên Xô, ngoài những chỉ thị được đưa ra trước đây về việc ngưng tiến hành xây dựng các vị trí dành cho vũ khi, đã đưa ra một lệnh mới là tháo bỏ các vũ khí mà ngài cho là "vũ khí tấn công" cùng với thùng chứa chúng và đưa chúng trở về Liên Xô."

Ngay lập tức Tổng thống Kennedy đáp lại bằng một lời tuyên bố, gọi lá thư của nhà lãnh đạo Liên Xô là "một sự đóng góp có tính xây dựng và quan trọng đối với hòa bình". Ông tiếp tục bằng một lá thư chính thức: "Tôi xem lá thư của tôi gửi cho ngài vào ngày 27 tháng 10 và việc ngài phúc đáp hôm nay như là những cam kết chắc chắn từ cả hai phía chính phủ của chúng ta mà hiện đang được tiến hành một cách nhanh chóng... Hoa Kỳ sẽ đưa ra một tuyên bố trong khuôn khổ của Hội đồng Bảo an liên quan đến vấn đề Cuba như sau: nó sẽ tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ tôn trọng sự vẹn toàn lãnh thổ, chủ quyền của Cuba, rằng Hoa Kỳ sẽ cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ, không xâm nhập và không cho phép sử dụng lãnh thổ của mình làm nơi xuất phát tiến hành xâm chiếm Cuba, và sẽ ngăn chặn những ai có kế hoạch tiến hành một cuộc xâm chiếm chống Cuba, cả từ lãnh thổ Hoa Kỳ hay từ lãnh thổ của các quốc gia lân bang khác của Cuba."[50]:103

Hoa Kỳ vẫn tiếp tục công việc cách ly phong tỏa Cuba. Trong những ngày tiếp theo sau đó, các chuyến bay do thám đã cho thấy rằng Liên Xô đang dần có tiến triển trong việc tháo bỏ các hệ thống tên lửa. 42 tên lửa và trang bị hỗ trợ của chúng được đưa lên 8 chiếc tàu Liên Xô. Những chiếc tàu này rời Cuba từ 5-9 tháng 11. Hoa Kỳ tiến hành quan sát kiểm chứng lần cuối cùng khi mỗi chiếc tàu đi qua vùng cách ly. Có thêm nhiều nỗ lực ngoại giao khác được thực hiện để yêu cầu Liên Xô đưa các oanh tạc cơ Liên Xô IL-28 về nước. Sau cùng các phi cơ này cũng được đưa lên 3 tàu Liên Xô vào ngày 5 và 6 tháng 12. Cuộc cách ly chính thức kết thúc trước đó vào lúc 6:45 p.m. giờ miền Đông Hoa Kỳ ngày 20 tháng 11 năm 1962.[29]

Trong các cuộc thảo luận với Đại xứ Liên Xô, Anatoly Dobrynin, Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ, Robert Kennedy, đã đề nghị không chính thức rằng các tên lửa Jupiter tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được tháo bỏ "trong một khoảng thời gian ngắn sau khi cuộc khủng hoảng chấm dứt".[51]:222 Các tên lửa cuối cùng của Hoa Kỳ được tháo dở vào ngày 24 tháng 4 năm 1963 và được đưa ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ ngay sau đó.[52]

Kết quả thực tế của Hiệp ước Kennedy-Khrushchev là nó đã hữu hiệu làm vững mạnh vị thế của Fidel Castro tại Cuba, bảo đảm rằng Hoa Kỳ sẽ không xâm chiếm Cuba. Rất có thể là nhà lãnh đạo Liên Xô, Khrushchev, chỉ đặt tên lửa tại Cuba để bắt buộc Tổng thống Kennedy tháo bỏ các tên lửa khỏi Ý và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, sự kiện các tên lửa Jupiter bị tháo bỏ khỏi các căn cứ NATO ở miền nam nước Ý và Thổ Nhĩ Kỳ không được công bố chính thức vào lúc đó nên có vẻ là nhà lãnh đạo Liên Xô, Khrushchev, đã thua trong cuộc xung đột này và trở nên yếu thế. Bề ngoài thì Tổng thống Kennedy đã thắng cuộc tranh đua giữa hai siêu cường và nhà lãnh đạo Liên Xô, Khrushchev, bị mất mặt. Tuy nhiên, đây không phải là toàn bộ tình thế vì cả Tổng thống Kennedy và nhà lãnh đạo Liên Xô, Khrushchev, đã tiến hành từng bước một để tránh một cuộc xung đột toàn diện mặc dù cả hai đều bị áp lực từ chính phủ của họ. Nhà lãnh đạo Liên Xô, Khrushchev, nắm quyền lãnh đạo Liên Xô thêm hai năm nữa.[50]:102-105

Kết cục

Thỏa hiệp đạt được là một sự sượng sùng rất lớn đối với nhà lãnh đạo Liên Xô, Khrushchev, và Liên Xô vì sự kiện Hoa Kỳ tháo bỏ các tên lửa khỏi Ý và Thổ Nhĩ Kỳ đã không được công bố chính thức vào lúc đó - đây là một cuộc mặc cả bí mật giữa Tổng thống Hoa Kỳ và nhà lãnh đạo Liên Xô. Liên Xô được xem là kẻ tháo lui tránh những cảnh ngộ mà tự họ đã khởi sự — mặc dù nếu họ diễn hay thì rất có thể họ đạt được một kết quả ngược lại. Nhà lãnh đạo Liên Xô bị mất quyền lực hai năm sau đó, rất có thể một phần có liên quan đến sự sượng sùng của Bộ chính trị Liên Xô đối với những nhân nhượng sau cùng mà Khrushchev dành cho Hoa Kỳ cũng như việc tính toán sai của ông khi hấp tấp tạo ra cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, Khủng hoảng tên lửa Cuba không phải là lý do duy nhất khiến ông bị mất quyền lực.

Cuba một phần cảm thấy bị Liên Xô phản bội vì các quyết định giải quyết cuộc khủng hoảng đều do Tổng thống Kennedy và nhà lãnh đạo Khrushchev tiến hành. Đặc biệt Fidel Castro rất tức giận khi những vấn đề lợi ích của Cuba, thí dụ như tình trạng vịnh Guantanamo (Hoa Kỳ vẫn duy trì một căn cứ quân sự tại đó cho đến ngày nay) đã không được nói đến. Điều này dẫn đến mối quan hệ giữa Cuba và Liên Xô xuống thấp trong những năm sau đó.[53]:278 Tuy nhiên, theo thỏa hiệp Cuba được bảo đảm không bị xâm chiếm.

Một vị tư lệnh quân sự của Hoa Kỳ không hài lòng với kết quả này. Tướng LeMay nói với Tổng thống rằng đây là "thất bại to lớn nhất trong lịch sử của chúng ta" và rằng đáng lẽ ra Hoa Kỳ nên xâm chiếm Cuba ngay lập tức.

Khủng hoảng tên lửa Cuba đã khiến hai siêu cường ký thỏa hiệp đường dây nóng. Qua thỏa hiệp này, đường dây nóng Moscow-Washington được thiết lập, nối thông tin liên lạc trực tiếp giữa MoskvaWashington, D.C. Mục đích của nó là có một cách để hai nhà lãnh đạo hai quốc gia đối nghịch nhau trong Chiến tranh lạnh có thể liên lạc trực tiếp với nhau để giải quyết một cuộc khủng hoảng như thế. Xác của thiếu tá Anderson, phi công U-2 bị bắn rơi, được hồi hương về Hoa Kỳ. Ông được chôn cất với đầy đủ nghi thức vinh dự quân đội tại Nam Carolina. Ông là người đầu tiên nhận huân chương mới được lập, đó là Huân chương "Air Force Cross" sau khi mất.

Mặc dù thiếu tá Rudolf Anderson là người duy nhất tử trận trong cuộc khủng hoảng này nhưng có đến 11 thành viên của 3 chiếc phi cơ thám thính Boeing RB-47 Stratojet thuộc Phi đoàn Thám thính Chiến lược số 55 bị thiệt mạng trong những vụ rớt phi cơ trong thời gian từ 27 tháng 9 đến 11 tháng 11 năm 1962.[54]

Những người chỉ trích Hoa Kỳ trong đó có Seymour Melman[55] và Seymour Hersh[56] cho rằng Khủng hoảng tên lửa Cuba đã khuyến khích Hoa Kỳ sử dụng các phương tiện quân sự, thí dụ như trong Chiến tranh Việt Nam. Cuộc đối đầu Nga-Mỹ đồng bộ cùng lúc với Chiến tranh Trung-Ấn, kể từ lúc Quân đội Hoa Kỳ tách ly quân sự chống Cuba; nhiều sử gia cho rằng việc Trung Quốc tấn công đánh Ấn Độ vì những vùng đất tranh chấp xảy ra vào cùng lúc với khủng hoảng tên lửa Cuba.[57]

Tổn thất của Liên Xô được Bộ Quốc phòng Nga công bố lần đầu tiên vào tháng 9/2017, nhân kỷ niệm 55 năm sự kiện. Dữ liệu của Bộ QP LB Nga cho thấy từ ngày 01/08/1962 đến ngày 16/08/1964 có 64 công dân Xô-viết đã thiệt mạng ở Cuba [58].

Lịch sử hậu khủng hoảng

Arthur Schlesinger, một sử gia kiêm cố vấn cho Tổng thống John F. Kennedy, nói với đài phát thanh National Public Radio trong một cuộc phỏng vấn ngày 16 tháng 10 năm 2002 rằng Fidel Castro trước đó đã không muốn các tên lửa đó nhưng chính nhà lãnh đạo Khrushchev đã gây áp lực với Fidel Castro chấp nhận chúng. Chủ tịch Castro không hoàn toàn hài lòng với ý tưởng này nhưng Ban lãnh đạo Cách mạng Quốc gia Cuba đã nhận chúng để bảo vệ Cuba chống cuộc tấn công của Hoa Kỳ và cũng để giúp đồng minh Liên Xô của họ.[53]:272 Schlesinger tin rằng khi các tên lửa này bị tháo bỏ thì Fidel Castro tức giận với Khrushchev hơn là tức giận với Kennedy vì Khrushchev đã không hội kiến với Castro trước khi quyết định tháo bỏ chúng.[Ghi chú 2]

Đầu năm 1992, theo xác nhận thì vào lúc cuộc khủng hoảng bùng phát, các lực lượng Liên Xô tại Cuba có nhận các đầu đạn hạt nhân chiến thuật cho các tên lửa và các oanh tạc cơ Il-28 của họ.[59] Fidel Castro nói rằng ông sẽ đề nghị sử dụng chúng vào lúc đó nếu như Hoa Kỳ xâm chiếm Cuba mặt dù ông biết rằng Cuba sẽ bị san bằng.[59]

Một trực thăng HSS-1 Seabat của Hải quân Hoa Kỳ bay phía trên chiếc tàu ngầm B-59 của Liên Xô, buộc nó nổi lên mặt nước trong vùng biển gần Cuba

Có thể nói rằng khoảnh khắc nguy hiểm nhất của cuộc khủng hoảng này chỉ được biết đến trong "Hội thảo Havana về Khủng hoảng tên lửa Cuba" vào tháng 10 năm 2002. Tham dự hội thảo này có các cựu giới chức của cuộc khủng hoảng. Tất cả những người này đều được cho biết rằng vào ngày 26 tháng 10 năm 1962 Chiến hạm USS Beale phát giác và thả những quả bom loại diễn tập chống tàu ngầm (khổ cỡ bằng lựu đạn) trên chiếc tàu ngầm B-59, một tàu ngầm thuộc Dự án 641 của Liên Xô (NATO đặt tên nó là Foxtrot), có trang bị một thủy lôi hạt nhân 15 kiloton nhưng Hoa Kỳ không hề hay biết. Vì cạn không khí và bị bao vây bởi các chiến hạm Mỹ nên nó buộc phải nổi lên mặt nước. Một cuộc tranh cãi xảy ra giữa ba vị sĩ quan trên chiếc tàu ngầm B-59 trong đó có thuyền trưởng tàu ngầm Valentin Savitsky, sĩ quan chính trị Ivan Semonovich Maslennikov, và phó thuyền trưởng Vasili Arkhipov. Vì mệt nhọc, thuyền trưởng Savitsky trở nên giận dữ và ra lệnh cho quả thủy lôi hạt nhân trên tàu được triển khai sẵn sàng khai hỏa. Có nhiều lời kể khác nhau về việc liệu có phải do phó thuyền trưởng Arkhipov đã thuyết phục được thuyền trưởng Savitsky không tấn công bằng quả thủy lôi hạt nhân hay liệu có phải chính Savitsky sau cùng đã đi đến quyết định rằng chỉ có cách chọn lựa duy nhất mở ngỏ cho ông là cho chiếc tàu ngầm nổi lên mặt nước.[60]:303, 317 Trong buổi hội thảo, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara nói rằng chiến tranh hạt nhân đã đến gần hơn là mọi người nghĩ. Thomas Blanton, giám đốc Cục lưu trữ Tài liệu An ninh Quốc gia nói, "Một gã tên là Vasili Arkhipov đã cứu thế giới."

Cuộc khủng hoảng là đề tài chính yếu trong bộ phim tài liệu năm 2003 có tựa đề The Fog of War, nhận được một giải Oscar dành cho phim tài liệu.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Khủng_hoảng_tên_lửa_Cuba http://cryptome.quintessenz.at/mirror/jcs-corrupt.... http://www.airforce-magazine.com/MagazineArchive/P... http://www.alternatehistory.com/discussion/showthr... http://www.flickr.com/photos/martintrolle/sets/721... http://www.foreignpolicy.com/articles/2012/10/08/t... http://journal.frontierindia.com/index.php?option=... http://books.google.com/?id=0xqrU5lnD7AC&pg=PA528&... http://books.google.com/?id=ZnYHG1eK-2AC http://books.google.com/?id=xtqFJVhmuowC http://www.historyplace.com/speeches/jfk-cuban.htm